BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/BC-BCT |
Hà Nội ngày 11 tháng 02 năm 2025 |
BÁO CÁO
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 233/NQ-CP NGÀY 10/12/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Kính gửi: Ban
chỉ đạo
(theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về rà
soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án)
Ngày 10/12/2024 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 233/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024 (NQ-233), tại Mục IV Chính phủ nêu “Đồng ý chủ trương về quan điểm, giải pháp và các nguyên tắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo như báo báo cáo của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 1070/BC-BCT ngày 07/12/2024 đối với các nội dung: Bổ sung quy hoạch, thủ tục liên quan đến đất đai, nghiệm thu công trình xây dựng, hưởng giá FIT, dự án điện mặt trời mái nhà”.
Ngày 24/12/2024, Bộ Công Thương có Văn bản số 345/BC-BCT báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (Văn bản 345).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Văn bản số 11/VPCP-CN ngày 01/01/2025 của Văn phòng Chính phủ, ngày 04/01/2025 Bộ Công Thương có Văn bản số 39/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh có các dự án điện năng lượng tái tạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đôn đốc thực hiện kế hoạch nêu tại Văn bản 345 việc triển khai NQ-233 của Chính phủ, chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án và hoàn thành trước ngày 20/01/2025. Đến nay, Bộ Công Thương nhận được văn bản của 15 tỉnh[1] báo cáo tình hình giải quyết các vướng mắc của các dự án điện năng lượng tái tạo.
Bộ Công Thương xin báo cáo Ban chỉ đạo về việc giải quyết vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch như sau:
I. Về việc triển khai Kế hoạch thực hiện NQ-233
1. Vấn đề về bổ sung quy hoạch
Ngày 26/12/2024, Bộ Công Thương có Văn bản số 10605/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát dự án để loại bỏ các dự án vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; cập nhật các dự án đã rà soát hiệu quả kinh tế - xã hội để lưỡng dụng quy hoạch và cung cấp thông tin về Bộ Công Thương tổng hợp.
Thực hiện chức năng, thẩm quyền, ngày 11/02/2025 Bộ Công Thương có Văn bản số 934/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (lần 3) thực hiện NQ-233 về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
2. Vấn đề về thủ tục liên quan đến đất đai
a) Vấn đề về chồng lấn quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan/khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia titan
i) Tỉnh Bình Thuận[2]: UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép 14 dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng trên đất khu vực khoáng sản titan quốc gia titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (bao gồm: 09 dự án cấp I, 05 dự án cấp II) được tiếp tục tồn tại, xây dựng, hoạt động trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia titan. Cụ thể, chấp thuận các nội dung sau:
+ Thực hiện hồ sơ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội giữa việc thực hiện quản lý khu vực đất dự trữ khoáng sản quốc gia titan và thực hiện dự án trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia titan để tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quản lý khu vực đất dự trữ khoáng sản quốc gia titan (lưỡng dụng quy hoạch) theo Nghị quyết của Chính phủ.
+ Cập nhật ranh giới khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ thời gian khu vực dự trữ khoáng sản xem xét, giải quyết hoàn thiện thủ tục đất đai, hồ sơ thuê đất cho tùng dự án điện năng lượng tái tạo đảm bảo tuân thủ quy định thời gian dự trữ 30 năm, 50 năm và 70 năm cho từng khu vực dự trữ khoáng sản theo Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023.
+ Thực hiện đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, trong đó đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế, xã hội khi thực hiện dự án trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; giải pháp bảo vệ khoáng sản trong phạm vi dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đảm bảo tuân thủ quy định thời gian dự trữ 30 năm, 50 năm và 70 năm cho từng khu vực dự trữ khoáng sản theo Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023.
ii) Ý kiến của Bộ Công Thương: Yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận xác định thẩm quyền giải quyết các kiến nghị. Trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh căn cứ NQ-233, Văn bản 345 của Bộ Công Thương để giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị xác định cấp có thẩm quyền giải quyết và nêu cụ thể điều khoản của văn bản pháp luật.
b) Liên quan đến chồng lấn quy hoạch phân vùng thăm dò, dự trữ, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit:
Bộ Công Thương chưa nhận được báo cáo giải quyết của địa phương có liên quan (UBND tỉnh Đắk Nông).
c) Liên quan đến chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ:
i) Tỉnh Ninh Thuận[3]: Thực hiện Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ và Báo cáo số 321/BC-BCT ngày 12/12/2024 của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận chọn phương án thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch, tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch). Việc thực hiện phương án này phù hợp theo Điều 218 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 (sử dụng đất kết hợp đa mục đích) và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1609/BNN-XD ngày 17/3/2023, cụ thể: (1) Thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án năng lượng; (2) Tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch).
ii) Ý kiến của Bộ Công Thương: Yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá, thống nhất việc thực hiện quy hoạch, lưỡng dụng quy hoạch của dự án phù hợp và báo cáo Thanh tra Chính phủ để xem xét, đồng ý với kết quả đã thực hiện.
d) Liên quan đến chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới Hồ chứa nước Ia Mơr
Bộ Công Thương chưa nhận được báo cáo giải quyết của địa phương có liên quan (UBND tỉnh Đắk Lắk).
đ) Nội dung khác: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng.., Bộ Công Thương chưa nhận được báo cáo của địa phương có liên quan như UBND tỉnh Bình Phước, Bình Thuận...
- Vấn đề vướng mắc đất đai, tỉnh Ninh Thuận báo cáo có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật (02 dự án) và nêu kết quả khắc phục: Đến nay, 02 dự án đã hoàn thành việc khắc phục, cụ thể: (1) phần công suất 50MW Nhà máy điện mặt trời BIM 2 cho thuê đất không đúng địa điểm, hiện đã được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023; (2) dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 đưa vào sử dụng nhưng chưa được cho thuê đất, nay đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thuê đất phần diện tích đất còn lại của dự án tại các Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 01/7/2022 và Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 01/7/2022.
- Ý kiến của Bộ Công Thương: Yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Thanh tra Chính phủ để xem xét, đồng ý với kết quả đã thực hiện.
3. Vấn đề về nghiệm thu công trình xây dựng
Trên cả nước hiện có 33 tỉnh có dự án điện mặt trời, điện gió. Trong đó, có 24 tỉnh đã có báo cáo, Bộ Công Thương tổng hợp như sau:
- 19 tỉnh báo cáo về dự án điện mặt trời, điện gió đã kiểm tra công tác nghiệm thu và có văn bản chấp thuận nghiệm thu, không vướng mắc, gồm có: An Giang; Bạc Liêu; Bình Định; Hà Tĩnh; Hậu Giang; Khánh Hòa; Lâm Đồng; Nghệ An; Phú Yên; Sơn La; Tiền Giang; Trà Vinh; Vĩnh Long; Thanh Hóa, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai, Tây Ninh.
- 05 tỉnh báo cáo dự án điện mặt trời, điện gió đã kiểm tra công tác nghiệm thu mà chưa có văn bản chấp thuận dự án/phần dự án do có vướng mắc, gồm: Bình Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai, Long An, Kon Tum. Các vướng mắc của dự án về quy hoạch điện lực (thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng), đất đai (thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh).
4. Vấn đề về hưởng giá FIT
Đến nay, Bộ Công Thương chưa nhận được báo cáo của EVN về kết quả giải quyết đối với nội dung hưởng giá FIT.
5. Vấn đề về dự án điện mặt trời mái nhà
a) Nội dung thuộc thẩm quyền của EVN
Ngày 10/01/2025, EVN có Văn bản số 264/EVN-KD báo cáo Bộ Công Thương về kết quả rà soát, xử lý ĐMTMN trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, theo đó EVN đã gửi văn bản chỉ đạo đến các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực để rà soát, lập danh sách các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng để báo cáo UBND tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo từ các Tổng công ty Điện lực báo cáo EVN, hiện có 14 UBND tỉnh/thành phố[4] có văn bản giao cho Sở/UBND huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và Công ty Điện lực nghiên cứu, xem xét tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết.
b) Nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh
- Hiện nay, Bộ Công Thương nhận được báo cáo của 15 tỉnh: trong đó có 03 tỉnh gồm Lâm Đồng, Bình Định, Thừa Thiên Huế đã báo cáo khẳng định không có vướng mắc hoặc đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai theo quy định đối với điện mặt trời mái nhà. Các tỉnh còn lại chưa có báo cáo cụ thể hoặc đang thực hiện rà soát.
- Ý kiến của Bộ Công Thương: Yêu cầu UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Thừa Thiên Huế báo cáo Thanh tra Chính phủ để xem xét, đồng ý với kết quả đã thực hiện.
II. Đề xuất, kiến nghị
Trong quá trình triển khai NQ-233, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, ban ngành tiếp tục khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án thuộc phạm vi quản lý và chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Bộ Công Thương đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh theo thẩm quyền giải quyết và báo cáo Ban chỉ đạo. Bộ Công Thương kiến nghị Ban chỉ đạo quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần của NQ-233 và sớm có báo cáo kết quả thực hiện để đưa các dự án điện năng lượng tái tạo vào phát điện, nội dung như sau:
- Về chồng lấn khoáng sản titan, bauxit: yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông khẩn trương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc của các dự án theo quy định.
- Về chồng lấn quy hoạch thủy lợi, vùng tưới: yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc của các dự án theo quy định.
- Về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng: yêu cầu UBND các tỉnh liên quan khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc của các dự án theo quy định.
- Chỉ đạo UBND các tỉnh liên quan khẩn trương giải quyết các vướng mắc về đất nông lâm nghiệp của điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.
- Chỉ đạo EVN khẩn trương giải quyết vướng mắc, báo cáo kết quả thực hiện về dự án hưởng giá FIT, điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.
Bộ Công Thương kính báo cáo Ban chỉ đạo biết để xem xét chỉ đạo, quyết định./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] 15 tỉnh có báo cáo: Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Định, Sơn La, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
[2] Văn bản số 197/UBND-KT ngày 16/01/2025
[3] Văn bản số 36/BC-UBND ngày 07/02/2025
[4] UBND tỉnh/thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.