ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/KH-UBND |
Đắk Nông, ngày 16 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 25/3/2025 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa1[1], xem việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về số lượng, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững gắn với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh.
- Chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên địa phương.
- Tiếp tục lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, trong đó, chú trọng đến lực lượng tiềm năng hộ kinh doanh.
2. Yêu cầu
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa chủ động và tích cực trong chỉ đạo điều hành công tác phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy khởi nghiệp; quán triệt, xem việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện.
- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện đúng và đầy đủ việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
- Tiếp tục cải cách, khắc phục tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, còn “giấy phép con”; chủ động góp ý với các Bộ, ngành Trung ương cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách đồng bộ; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; loại bỏ hiện tượng trùng lắp trong xử lý, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp,... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, tạo sự kết nối, liên thông giữa các ngành, cơ quan, giữa Trung ương và địa phương.
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chức, viên chức, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phải coi trọng việc khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình, gia đình mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Các Sở, Ban, ngành, địa phương
- Tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ,... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương.
- Tiếp tục thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm'' sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
- Trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định của pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tổng hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, báo cáo Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- Rà soát, tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt, giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phân cấp giải quyết đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo hướng một văn bản sửa nhiều văn bản.
- Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Quán triệt tinh thần “Chính quyền phục vụ”, “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” đến từng cán bộ, công chức, viên chức.
b) Sở Tài chính
- Tích cực tham gia xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý, giải quyết và công khai phương án giải quyết, hỗ trợ trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành và địa phương theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin tình hình triển khai các dự án do UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời đôn đốc các cơ quan liên quan hỗ trợ, giải quyết những kiến nghị, khó khăn và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư, đấu thầu bảo đảm đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đảm bảo 100% hồ sơ của doanh nghiệp được giải quyết đúng hạn.
c) Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...
d) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phù hợp đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành sản phẩm, hỗ trợ hình thành hệ thống doanh nghiệp khoa học - công nghệ và thị trường công nghệ.
đ) Sở Tư pháp
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
- Hướng dẫn các đơn vị rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, xử lý.
e) Sở Công Thương
- Chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện những khó khăn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
g) Văn phòng UBND tỉnh rà soát, nghiên cứu đề nghị cắt giảm, hoàn thiện quy trình giải quyết các thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; thực hiện chuẩn hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và công khai các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để khai thác sử dụng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công quốc gia.
2. Về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
a) Các Sở, Ban, ngành, địa phương
- Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị tại 03 cực động lực tăng trưởng, 04 hành lang kinh tế và 04 tiểu vùng kinh tế - xã hội đã xác định trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 và các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên đầu tư tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 91/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương trong tỉnh (Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông), các tuyến đường kết nối tỉnh Lâm Đồng, xây dựng hành lang kinh tế Đông - Tây.
- Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch được giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng.
- Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án cho giai đoạn 2026 - 2030, nhất là các dự án hạ tầng kết nối vùng; đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
b) Sở Tài chính
- Tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của từng thời kỳ; các nhiệm vụ, giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển, cân đối và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế để thực hiện quy hoạch tỉnh. Đề xuất các giải pháp đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư; xây dựng lộ trình, kế hoạch và triển khai các giải pháp xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các công trình, dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thời kỳ 2021-2030; đồng thời, phối hợp các Sở, ngành, địa phương chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... để tăng hiệu quả đầu tư, phục vụ cho mục tiêu phát triển từng thời kỳ.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành cân đối, tham mưu bố trí nguồn lực tài chính theo khả năng cân đối ngân sách thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ, dự án,... để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển, giải pháp theo Quy hoạch tỉnh.
c) Sở Xây dựng
- Chủ động kết nối với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia về giao thông đoạn qua tỉnh Đắk Nông (nhất là Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); đề xuất mới tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận tạo hành lang kinh tế Đông - Tây).
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới giao thông theo hệ thống quy hoạch được phê duyệt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
d) Sở Công Thương
- Tham mưu tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đã được ban hành nhằm thu hút các dự án đầu tư và mở rộng sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh đã xác định trong Quy hoạch tỉnh. Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong kỳ quy hoạch.
- Tham mưu phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, logistics theo hướng đa dạng hóa có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất. Tham mưu triển khai phương án phát triển ngành kết cấu hạ tầng năng lượng, điện lực, dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt theo quy hoạch được duyệt.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024; phối hợp với Bộ Công Thương tổng hợp, hoàn thiện danh mục các dự án nguồn điện để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu của Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Công ty Điện lực Đắk Nông và các đơn vị liên quan đầu tư hoàn thiện hạ tầng phân phối, truyền tải điện; trọng tâm là xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế; đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế, qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
đ) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tham mưu huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo nội dung Quy hoạch tỉnh, qua đó đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân.
- Kêu gọi, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch: Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung; Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, từ 01-02 hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nâng cấp, đa dạng hóa dịch vụ tại các khu, điểm du lịch đã có nhà đầu tư: Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp -Gia Long, Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’Lung. Trong đó, Tà Đùng được xem là điểm đầu tư chiến lược của tỉnh.
e) Sở Khoa học và Công nghệ
- Tham mưu triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án lĩnh vực thông tin và truyền thông trong Quy hoạch tỉnh; lấy việc xây dựng chính quyền số để dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế số và xã hội số. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên thúc đẩy hình thành doanh nghiệp công nghệ số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đề xuất các giải pháp nâng cấp mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khai thác và cung cấp dịch vụ; xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, thương mại của doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, phát triển hạ tầng băng rộng cố định, nâng cấp hạ tầng mạng thông tin di động 4G, phát triển hạ tầng mạng thông tin di động 5G đảm bảo hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
g) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
- Tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh thành lập khu công nghiệp khi có đủ điều kiện; tham mưu chỉ đạo hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng,... để sớm triển khai thực hiện đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
3. Hỗ trợ- doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng
a) Các Sở, Ban, ngành, địa phương
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng trên địa bàn, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Triển khai kịp thời, đôn đốc và chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, các chính sách ưu đãi tín dụng của Nhà nước, của ngành cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn; tích cực triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng khôi phục sản xuất, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận các quỹ, nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
b) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 11
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với doanh nghiệp; ưu tiên giữ ổn định lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,...); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát thủ tục, quy trình để đề xuất Hội sở chính cắt giảm các thủ tục tiền tệ, tín dụng ngân hàng không cần thiết, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; quan tâm đối với hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đa dạng hóa, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị
a) Các Sở, Ban, ngành, địa phương
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.
- Thúc đẩy triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ) các ngành, lĩnh vực mới nổi (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí,...).
- Hỗ trợ nâng cấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tiêu chuẩn liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển dịch vụ logistics; tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
b) Sở Nội vụ
- Triển khai thực hiện tốt công tác thu thập, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh; về thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyển dụng lao động khi có nhu cầu.
- Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách để khuyến khích lực lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trở về (phân theo nhóm, ngành nghề) tham gia các chương trình khởi nghiệp nhằm tận dụng và khai thác có hiệu quả kinh nghiệm và nguồn vốn tích lũy để đầu tư, phát triển kinh doanh.
c) Sở Công Thương
- Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị trong các ngành, lĩnh vực chủ lực và thế mạnh của tỉnh như chế biến nông sản,...tạo ra các sản phẩm mang tầm quốc gia.
- Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào một số ngành lợi thế. Nghiên cứu, đánh giá các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực, tiềm năng đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi hoặc có khả năng giữ vai trò ở các khâu quan trọng của chuỗi để tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi.
d) Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm, từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh về thương hiệu và hiệu quả sản xuất, từng bước tiếp cận và đạt các tiêu chuẩn xác nhận để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc gia.
- Tăng cường công tác xúc tiến mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông.
đ) Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh giai đoạn 2021-2025[2].
- Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp về chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, vận hành và tham gia các sàn giao dịch điện tử, từng bước chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang mua bán trực tuyến.
- Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các nhãn hiệu nông sản đặc thù; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ phù hợp; khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ khoa học và công nghệ để phục vụ đầu tư đổi mới công nghệ.
e) Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm để người lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó chú trọng đào tạo lực lượng công nhân lành nghề và cán bộ quản lý có trình độ cao.
g) Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và Quản lý công viên địa chất Đắk Nông)
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác; tổ chức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch; chủ động chuẩn bị hồ sơ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; thường xuyên cập nhật thông tin các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.
5. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; vai trò, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân
a) Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chủ động, tích cực và nâng cao vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp; phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.
- Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển đội ngũ doanh nhân; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường.
b) Đề nghị các Doanh nghiệp, Doanh nhân
- Tiếp tục nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng chiến lược phát triển thông qua các kế hoạch, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi mà mỗi doanh nghiệp cam kết cung cấp cho thị trường, xã hội,...
- Phát huy hơn nữa tinh thần ý thức tự lập tự cường và khát khao làm giàu chính đáng; xây dựng nên những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng xã hội; cùng chung tay, hiệp lực, chia sẻ, liên kết nhằm hỗ trợ, dẫn dắt và cùng nhau phát triển.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa
- Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình, cụ thể hóa thành nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, giải pháp cụ thể; hoàn thành trong tháng 04/2025 gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để theo dõi.
- Rà soát các chính sách đã ban hành, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành và triển khai đồng bộ.
- Định kỳ 06 tháng, năm báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính tổng hợp) tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị mình (báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 05/6 và báo cáo năm trước ngày 05/12).
2. Các Sở, Ban, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi về cơ chế, chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn vị mình.
3. Giao Thanh tra tỉnh theo dõi, hướng dẫn công tác triển khai, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
4. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tình quan tâm tuyên truyền, giám sát, phản ánh tình hình thực hiện kế hoạch này của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cổ vũ kịp thời sự đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị tích cực tham gia hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
6. Giao Sở Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Sở, Ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này. Định kỳ 06 tháng, năm báo cáo và tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cho các Bộ, ngành Trung ương về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch (báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 15/6 và báo cáo năm trước ngày 15/12). Kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền.
7. Giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh theo dõi kết quả thực hiện kế hoạch này, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
[1] Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[2] Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.