VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2025 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 17 BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 10 tháng 5 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Phó Trưởng Ban Thường trực, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh
- Phó Trưởng Ban, lãnh đạo các Bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo: Văn phòng Chính phủ, Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các Tập đoàn, Tổng công ty: Điện lực Việt Nam (EVN), Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Quản lý bay Việt Nam (VATM), Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đường sắt Việt Nam và đại diện các cơ quan, Ban Quản lý dự án (Ban QLDA), Tư vấn và một số nhà thầu; tại điểm cầu 49 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau) có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố và đại diện các sở, ngành liên quan.
Sau khi nghe Bộ Xây dựng (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo tổng hợp tình hình triển khai các công trình, dự án, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, ý kiến thảo luận của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Với vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển), Như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Việc triển khai thành công các dự án này có nhiều ý nghĩa: (i) góp phần quan trọng để hoàn thành một trong ba khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; (ii) đáp ứng yêu cầu phát triển rất cấp thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo các không gian phát triển mới của các địa phương, vùng miền, quốc gia; (iii) là một trong các động lực tăng trưởng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 02 con số từ năm 2026 trở đi; (iv) góp phần thực hiện thành công các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ban Chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc tiến độ, động viên các cá nhân, tập thể trong quá trình triển khai. Hiện nay, Ban Chỉ đạo đang chỉ đạo 37 dự án/95 dự án thành phần trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 02 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, với tổng số vốn đầu tư trên một triệu tỷ đồng. Ban Chỉ đạo đã hoạt động rất hiệu quả, tích cực, chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tiến độ nhiều dự án có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch. Việc sớm hoàn thành các dự án, trực tiếp giúp tránh đội vốn, nâng cao hiệu quả khai thác, nhân dân phấn khởi…. Thời gian tới, yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung thời gian, công sức, nêu cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm, thái độ nghiêm túc để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, xử lý có hiệu quả các vấn đề vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, các Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần hoạt động tích cực, hiệu quả hơn với tinh thần nói thật, làm thật, hiệu quả thật, sản phẩm thật, đem lại lợi ích, sản phẩm thật cho người dân.
3. Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo; kết quả đạt được là rất tốt, tích cực và đáng ghi nhận, trong đó có 08 điểm sáng như sau:
Thứ nhất, lần đầu tiên tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 80 dự án vào ngày 19/4/2025 trải dài cả 03 miền: Bắc - Trung - Nam; với sự có mặt của các Thành viên Chính phủ tại tất cả các điểm cầu; tạo sự động viên, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tiếp tục phát huy tinh thần đó, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn ra sức thi đua, nỗ lực triển khai, đăng ký tối thiểu mỗi đơn vị 02 dự án để thực hiện Lễ khởi công, khánh thành các dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và dịp kỷ niệm 79 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2025); đồng thời thực hiện sơ kết đánh giá lại các mục tiêu về đầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Các bộ, các ngành, địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan truyền thông để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện này.
Thứ hai, hệ thống đường cao tốc được quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư, nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch, quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác trong nhiệm kỳ này, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay từ 1.327 km lên 2.268 km và từ nay đến cuối năm tiếp tục nỗ lực hoàn thành thêm khoảng 800km đường cao tốc nữa để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3000km đường cao tốc.
Thứ ba, biểu dương ACV, các Ban QLDA Cảng hàng không quốc tế Long Thành thời gian qua đã nỗ lực triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án sau thời gian dài triển khai trì trệ đã có nhiều tiến triển tích cực, dự án cơ bản bù được tiến độ bị chậm, đã cơ bản hình thành một nhà ga hành khách xanh, hiện đại, tầm cỡ khu vực.
Thứ tư, đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường kết nối phục vụ nhu cầu nhân dân dịp 30/4/2025.
Thứ năm, chúng ta rất tự hào có nhiều công trình lớn, kỹ thuật phức tạp, thẩm mỹ cao do người Việt làm chủ thực hiện, trong đó có dự án cầu Mỹ Thuận 2. Các tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cần Thơ - Cà Mau, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi đang triển khai rất tích cực, đều rút ngăn tiến độ so với kế hoạch; tạo hiệu ứng rất tốt, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ sáu, các tuyến đường kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được tích cực giải quyết các thủ tục để triển khai. VEC đang tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối khu vực Đông Nam bộ.
Thứ bảy, biểu dương thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực thời gian vừa qua đã triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố như: các cầu vượt sông Hồng, các dự án đường sắt đô thị; biểu dương UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động đề xuất bổ sung vốn để đầu tư hoàn thành dự án Tuyên Quang - Hà Giang trong năm 2025, theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thứ tám, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã rất nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm trong khu vực, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3000km đường cao tốc.
4. Bên cạnh các điểm sáng, kết quả tích cực đã đạt được nêu trên vẫn còn một số địa phương chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm, chưa hoàn thành đúng các mốc tiến độ yêu cầu trong triển khai công tác GPMB, cung ứng vật liệu xây dựng, công tác chuẩn bị đầu tư, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, gồm các địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Sơn La, Thái Bình, Đồng Tháp.
5. Một số bài học kinh nghiệm được đúc rút qua kinh nghiệm triển khai các dự án, đó là:
a) Các đồng chí đứng đầu bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban chỉ đạo phải tích cực, tâm huyết, dành thời gian, công sức đi kiểm tra đôn dốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường dự án.
b) Các chủ đầu tư, nhà thầu, Ban Quản lý dự án bám sát đường găng tiến độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, triệt để giải quyết, nâng cao chất lượng, không đội vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân sinh.
c) Các địa phương phải tự lực, tự cường, nỗ lực hơn nữa trên tinh thần địa phương quyết định, địa phương triển khai và địa phương thụ hưởng; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trác nhiệm; do vậy, phải tiếp tục thực hiện tốt chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát.
II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:
1. Về các mục tiêu năm 2025: các mục tiêu hoàn thành các dự án trong năm 2025 là không thay đổi (kiên quyết không đội vốn, không tiêu cực, không kéo dài thời gian thực hiện…). Phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng là cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tại 05 địa điểm vào ngày 19/12/2025).
2. Về tư tưởng chỉ đạo: quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền; biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ, biến mục tiêu khát vọng thành hiện thực.
3. Về tư duy, cách làm: cần tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, khắc phục các khó khăn, thời tiết bất lợi, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết; làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”… huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, áp dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại để hoàn thành các dự án cao tốc như An Hữu - Cao Lãnh, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang - Hà Giang, Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng… dịp 19/12/2025.
4. Về huy động nguồn lực: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai phát triển hạ tầng giao thông; huy động cả hệ thống chính trị, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc, các ban của Đảng vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.
5. Đoàn kết, huy động mọi lực lượng cùng tham gia các dự án: phát huy bài học kinh nghiệm của Dự án đường dây 500KV mạch 3 về huy động mọi cơ quan, đơn vị: Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… cùng tham gia dự án, với phương châm: Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phát huy tinh thần “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, làm sáng hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong triển khai các dự án. Các chủ đầu tư, nhà thầu huy động các nhà thầu phụ tại địa phương, nhân lực tại địa phương theo phương châm 4 tại chỗ; lưu ý bảo đảm chất lượng công trình, không vì tiến độ làm ảnh hưởng tới chất lượng.
III. VỀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Về thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án
a) Những vấn đề phát sinh phải được các cơ quan đơn vị chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo nếu vượt thẩm quyền; kiên quyết không đùn đẩy né tránh.
b) Các dự án hợp tác công tư phải triển khai các thủ tục để khởi công ngay trong tháng 5 năm 2025. Các nhà đầu tư tiếp tục chủ động huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các Dự án... Giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật PPP, Luật Đầu tư theo hướng đơn giản/cắt giảm thủ tục (trong đó có thủ tục thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước/Hội đồng thẩm định liên ngành), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hấp dẫn nhà đầu tư.
c) Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai các giải pháp để huy động 500.000 tỷ đồng cho đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
d) Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn lực để triển khai đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng.
đ) Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ BC NCKT dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trước ngày 19/5/2025 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
e) Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Lâm Đồng và Tây Ninh khẩn trương phê duyệt BC NCKT dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài trong tháng 5/2025.
g) Thành phố Hà Nội và các tỉnh Sơn La hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La trong tháng 5/2025, DATP 3 Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội trong tháng 6/2025.
2. Công tác giải phóng mặt bằng
a) Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Lạng Sơn cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại của các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, trong tháng 5/2025.
b) Các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang khẩn trương đẩy nhanh bàn giao mặt bằng các Dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành chậm nhất ngày 20/5/2025.
c) Các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang quyết liệt triển khai công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ triển khai dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh.
3. Về vật liệu xây dựng
a) Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng hoàn thành thủ tục cấp mỏ còn lại trong tháng 5/2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 25/4/2025; trong đó tỉnh An Giang rà soát, khẩn trương giao các nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.
b) Tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre xem xét nâng công suất mỏ đáp ứng nhu cầu năm 2025 của dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Tỉnh Đắk Lắk hoàn thành thủ tục chấp thuận cho thuê đất mỏ Ea Kênh và thủ tục hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trong tháng 5/2025.
d) Bộ Công an điều tra việc cung ứng vật liệu đắp cho các dự án trọng điểm khu vực phía Nam.
4. Về công tác triển khai thi công các dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản: Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các Chủ đầu tư, các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các DATP còn lại của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Liên - Túy Loan, DATP 2 Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025 và DATP 2 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
5. Công tác triển khai thi công đối với các dự án do các địa phương là Cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền:
a) Đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tuyên Quang, Hà Giang, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Tháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản thực hiện các dự án quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn, khẩn trương hơn, sâu sát nắm bắt tình hình, thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai dự án; nhất là trong giai đoạn các tỉnh đang thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp bù lại tiến độ đã chậm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật rút ngắn thời gian thi công để đẩy nhanh tiến độ DATP 1, 3, 5 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, DATP1 Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, DATP 1 và 3 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, DATP1 Cao Lãnh - An Hữu; kịp thời báo cáo Đoàn kiểm tra của Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành dự án trong năm 2025.
b) Tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng chỉ đạo nhà đầu tư tận dụng tối đa điều kiện thời tiết mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, bảo đảm hoàn thành vào ngày 19/12/2025.
6. Về triển khai các dự án đường sắt và Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
a) Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, tập trung chỉ đạo, triển khai, nhất là hoàn thiện các thủ tục về đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 04/5/2025 của Văn phòng Chính phủ và Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 30/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 khẩn trương xây dựng đường găng tiến độ chi tiết hàng tháng để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị… bảo đảm bảo các điều kiện để khởi công dự án ngày 19/12/2025.
b) Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiếp tục, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 213/TB-VPCP.
c) Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai công tác quy hoạch, thiết kế tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Quảng Ninh - Hải Phòng để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trong năm 2025.
7. Về triển khai các dự án Cảng hàng không
a) ACV tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn lao động, tổ chức thi công hợp lý, khoa học, bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án thành phần 4 trong năm 2025; Các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai các dự án thành phần để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân về tiến độ triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành Dự án CHKQT Long Thành trong dịp 19/12/2025.
b) ACV và các địa phương tập trung triển khai hoàn thành các cảng hàng không, sân bay: mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không Nội Bài; cảng hàng không Cà Mau, sân bay Phù Cát Bình Định, Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới…
8. Công tác khen thưởng
a) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính căn cứ trên kết quả triển khai, đề xuất khen thưởng cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư, các nhà thầu và các cá nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư kế cấu hạ tầng; báo cáo tại kỳ họp thứ 18 (dự kiến đầu tháng 07 năm 2025); Lưu ý công tác khen thưởng phải đúng đối tượng, kịp thời, đúng lúc với hình thức khen thưởng phù hợp, tương xứng với thành tích.
b) Các cơ quan chủ quản (Bộ Xây dựng, VEC, ACV và các địa phương) tổ chức đánh giá để thưởng hợp đồng đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định số 15/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 của Chính phủ quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các nhà thầu, nhà đầu tư thi công vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng.
9. Công tác kiểm tra, giám sát
a) Các bộ ngành chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai bảo đảm đúng quy định pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chủ động kiểm tra để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
b) Bộ Xây dựng phân công các đồng chí Thứ trưởng kiểm tra, theo dõi đôn đốc các dự án bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.
c) Văn phòng Chính phủ tham mưu các đồng chí Phó Thủ tướng, Trưởng các Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra các dự án hằng tháng để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ, động viên các cá nhân, đơn vị tích cực triển khai các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025.
10. Công tác truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước (Báo Nhân dân, VTV, VOV, TTXVN…) tăng cường công tác tuyên truyền triển khai các công trình dự án trọng điểm, lập chuyên trang để kịp thời phản ánh, ghi nhận sự nỗ lực trên công trường, gương điển hình tiên tiến của các chủ thể liên quan.
11. Tổ chức lễ khởi công, khánh thành dịp 19/8/2025 chào mừng Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh (ngày 2 tháng 9): các cơ quan nghiên cứu Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 05/5/2025 để đăng ký các công trình khởi công, khánh thành bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty tối thiểu 02 dự án. Giao VTV chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, VNPT, VIETTEL và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ xây dựng chương trình truyền hình trực tiếp, trực tuyến đến các điểm cầu trên cả nước bảo đảm phản ánh chân thực, sinh động… sự cố gắng nỗ lực cả hệ thống chính trị các cấp, các chủ thể liên quan (bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, cán bộ, kỹ sư, người lao động, nhân dân…) trong tổ chức, thực hiện các dự án để khởi công, khánh thành chào mừng Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tạo khí thế thi đua sôi nổi, niềm vui của nhân dân...
12. Bộ Xây dựng rà soát, bổ sung các dự án, công trình cần thiết phải chỉ đạo vào danh mục các dự án thuộc Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ nêu trên.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.